Dạo gần đây chúng ta thường nghe nói đến thuật ngữ overthinking trên các phương tiện truyền thông xã hội. Vậy overthinking là gì? Làm sao để biết mình có bị overthinking hay không? Nếu có thì làm sao để thoát khỏi tình trạng này? Nội dung sau đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên.

Overthinking là gì?

“Overthinking (suy nghĩ quá nhiều) là khi một người tập trung quá mức và phân tích quá mức cùng một suy nghĩ nhiều lần đến mức làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của họ”.

Một người trong tình trạng suy nghĩ quá mức có thể cảm thấy khó thực hiện hành động, đưa ra quyết định hoặc loại bỏ một suy nghĩ cụ thể nào đó khỏi tâm trí.

Suy nghĩ quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của một người, thúc đẩy các hành vi cầu toàn và dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực.

Làm sao để biết bạn đang bị overthinking hay không?

Nếu nhận thấy các dấu hiệu sau đây, bạn có thể đang bị overthinking.

  • Luôn hình dung đến các tình huống xấu nhất, dù vấn đề đang gặp phải không quá nghiêm trọng, thậm chí là chưa hề xảy ra.
  • Cứ mãi nghĩ đến các hành vi xấu hoặc các tình huống tồi tệ đã xảy ra trong quá khứ.
  • Cảm thấy buồn chán vì những suy nghĩ của bản thân.
  • Ngay cả khi đã đưa ra quyết định, bạn vẫn có thể nghi ngờ chính mình, khiến mức độ căng thẳng ngày càng tăng thêm.
  • Việc mắc kẹt trong vòng lặp suy nghĩ có thể khó có cảm giác thư giãn. Ngoài ra, những suy nghĩ này có thể khiến bạn thức dậy vào lúc nửa đêm và khó ngủ lại.

Lí do bạn lại bị overthinking

Nguồn gốc của việc suy nghĩ quá mức overthinking là gì? Đó có thể bắt nguồn từ sự căng thẳng và lo lắng. Bên cạnh đó, lòng tự trọng thấp và sự bất an cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến overthinking. Chúng ta có thể lo sợ về tất cả mọi thứ trong cuộc sống từ các vấn đề sức khỏe hoặc vấn đề tài chính.

Những nỗi đau buồn cũng là lí do dẫn đến suy nghĩ quá nhiều. Nếu một người trải qua chấn thương thì có nhiều khả năng bị overthinking. Tâm trí của họ sẽ bị mắc kẹt trong sự kiện gây tổn thương đó.

Cuối cùng, những người tìm kiếm sự hoàn hảo, có thói quen suy nghĩ vòng vo và mong muốn làm chủ hoàn toàn mọi tình huống cũng có thể là người overthinking. Họ cứ gặm nhấm về những lỗi lầm của bản thân trước đây và tương lai cũng như luôn quan tâm đến việc người khác nhìn nhận, đánh giá họ như thế nào.

Overthinking có phải là rối loạn tâm thần không?

Chưa đủ sơ sở và thông tin để khẳng định overthinking là rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, overthinking là một trong nhiều triệu chứng của các rối loạn tâm thần như trầm cả, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau sang chấn…

Nhiều nghiên cứu cho thấy overthinking và căng thẳng có mối tương quan hai chiều. Bạn càng lo lắng và căng thẳng thì sẽ càng suy nghĩ nhiều, ngược lại càng suy nghĩ nhiều thì bạn càng lo âu và trầm cảm.

Nếu suy nghĩ quá nhiều vấn đề, quá mức và diễn ra trong thời gian dài, tình trạng này trở thành một dấu hiệu cho thấy bạn cần được tầm soát các rối loạn tâm thần tiềm ẩn khác.

Tác hại của việc overthinking là gì?

Dẫn đến các vấn đề về tâm thần

Đắm chìm trong những sai lầm, vấn đề và thiếu sót của mình sẽ làm tăng khả năng bạn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Suy nghĩ quá nhiều có thể khiến bạn rơi vào một vòng luẩn quẩn khó phá vỡ. Nó tàn phá sự bình an tinh thần của bạn và khi bạn mất đi sự bình yên trong tâm hồn, giảm khả năng chịu đựng, dần dần cảm thấy cô đơn, mất hứng thú và trầm cảm.

Khó đưa ra quyết định trong các tình huống quan trọng

Ngay cả việc đưa ra những lựa chọn đơn giản, chẳng hạn như chọn trang phục đi làm hoặc quyết định địa điểm du lịch cũng có thể khiến bạn cảm thấy giống như một tình huống sinh tử khi bạn là người suy nghĩ quá nhiều. Trớ trêu thay, tất cả những suy nghĩ quá mức đó sẽ không bao giờ giúp bạn đưa ra lựa chọn tốt hơn! Việc phân tích quá mức cản trở khả năng giải quyết vấn đề của bạn vì nó khiến bạn tập trung vào vấn đề và tưởng tượng ra những tình huống có thể không bao giờ xảy ra thay vì tìm ra giải pháp. 

Làm gián đoạn giấc ngủ

Nếu bạn là người suy nghĩ quá nhiều, bạn có thể gặp phải vấn đề về giấc ngủ. Điều này là do cơ thể bạn không cho phép bạn ngủ khi tâm trí bạn không bình yên. Suy ngẫm về hầu hết mọi thứ và liên tục lo lắng về những thứ mà bạn có ít hoặc không thể kiểm soát thường dẫn đến việc ngủ ít hơn. Do đó, suy nghĩ quá nhiều sẽ làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn và có thể khiến bạn cáu kỉnh vào ngày hôm sau.

Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất

Ngoài các vấn đề về tinh thần, overthinking còn ảnh hưởng đến thể chất như mệt mỏi, thay đổi khẩu vị, làm tăng nguy cơ đau tim…

Làm gì để thoát khỏi overthinking?

Bạn đã biết ảnh hưởng của tình trạng overthinking là gì rồi phải không? Vậy thì làm sao để thoát khỏi nó?

Đánh lạc hướng bản thân

Bạn có thể ngừng suy nghĩ quá nhiều bằng cách đánh lừa tâm trí thông qua việc làm những điều mình thích như mua sắm, ca hát hay tập thể dục hay chơi một môn thể thao nào đó hoặc học thêm các kỹ năng cần thiết cho công việc. Điều này sẽ giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn của việc suy nghĩ quá nhiều.

Xem xét các cách giải quyết vấn đề

Hành động sẽ làm giảm bớt căng thẳng và cảm giác bất lực. Động não và viết ra một vài hành động bạn có thể thực hiện để giảm thiểu tình huống mà bạn đang suy nghĩ quá mức. Điều này sẽ giúp bạn hướng ngoại và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.

Hiểu rõ những gì bạn có thể và không thể kiểm soát

Bị ám ảnh bởi điều gì đó ngoài tầm kiểm soát của bạn sẽ tạo ra cảm giác căng thẳng, bất lực và kéo theo những suy nghĩ tiêu cực. Việc thừa nhận một cách khách quan rằng bạn chỉ có thể làm rất nhiều để sửa chữa điều gì đó có thể làm giảm bớt một số lo lắng của bạn.

Thực hành thiền định

Việc thực hành thiền định có lợi cho những người thường xuyên suy nghĩ quá nhiều vì nó tập trung lại năng lượng tinh thần của họ vào thời điểm hiện tại, giúp họ giảm bớt áp lực phải tập trung vào quá khứ hoặc tương lai.

Nhớ lại các thành tích của bản thân

Khi bạn đang overthinking, hãy nghĩ đến hoặc viết ra những điều khiến bạn tự hào về bản thân mình. Đó có thể chỉ là những điều rất nhỏ như bạn đã thức dậy sớm tập thể dục, dọn dẹp nhà cửa hay làm điều gì đó cho những người thân trong gia đình. Nhìn vào đó, bạn có thể thấy được sức mạnh của những thành quả nhỏ nhặt cộng lại và có suy nghĩ tích cực hơn.

Nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý

Overthinking kéo dài vừa gây ảnh hưởng đến tâm lý lẫn thể chất, do đó khi không tự giải quyết được vấn đề này, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia về sức khỏe tâm thần hoặc bác sĩ tâm lý. Nhờ họ cùng với sự cố gắng của bản thân, bạn sẽ sớm vượt qua các vấn đề về suy nghĩ của mình, trở về với các hoạt động vui tươi cùng các mối quan hệ lành mạnh.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến overthinking

Overthinking trong tình yêu là gì?

Overthinking trong tình yêu là tình trạng bạn suy nghĩ cực đoan về mối quan hệ hiện tại và suy nghĩ đó cứ lặp đi lặp lại không ngừng. Bạn tưởng tượng về những điều xấu có thể xảy ra đến mức khiến bản thân mệt mỏi, lo âu và thậm chí là khóc trong âm thầm lặng lẽ.

Overthinking có phải lúc nào cũng mang đến những điều bất lợi?

Nếu đang bị overthinking, bạn dễ cảm thấy khó chịu, bức bối vì mọi việc không đâu vào đâu. Tuy nhiên, overthinking chỉ xấu khi khiến bạn trì hoãn và không quyết đoán. Một chút overthinking cũng có lợi cho bạn. Ví dụ, bạn đang lo lắng về bài thuyết trình bán hàng với một khách hàng lớn đầy tiềm năng thì sự căng thẳng sẽ khiến bạn làm việc chăm chỉ hơn và chuẩn bị chu đáo hơn. Mặt khác, suy nghĩ quá nhiều cũng có thể giúp bạn hiểu rõ giá trị bản thân và các khía cạnh thế mạnh để phát triển tốt hơn.

Hy vọng nội dung trên đây đã giúp bạn hiểu overthinking là gì và cách thoát khỏi tình trạng này. Chúng ta ai cũng có nhiều điều để quan tâm và suy nghĩ trong cuộc sống lẫn công việc. Thay vì cứ mãi vùi đầu vào suy nghĩ thì hãy hành động để giải quyết. Chúc bạn thành công trong việc tìm sự cân bằng và ổn định cho cảm xúc lẫn tâm trí của mình.

Huỳnh Trâm

Về Tác Giả

CareerLink
Bài Mới Nhất